Chiến lược xây dựng thương hiệu eCommerce bền vững

Thương hiệu không phải là một logo đẹp hay một quảng cáo đặt ở vị trí tốt. Bạn cần làm nhiều hơn thế. Để CustomCat đi sâu vào vấn đề xây dựng thương hiệu này nhé!

Nhiều người thường nghĩ doanh nghiệp nhỏ chỉ lo bán hàng tốt là được, làm thương hiệu để mai tính. Trên thực tế, xây dựng thương hiệu không chỉ là câu chuyện dành cho các “ông lớn”, và cũng không phải là việc quá mức xa vời. Đã có nhiều doanh nghiệp nhỏ với ngân sách khiêm tốt vẫn xây dựng thành công thương hiệu trên các sàn thương mại điện tử.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra những lý do tại sao thương hiệu đóng vai trò cực kỳ quan trọng và các bước để nâng tầm thương hiệu của bạn.

Tầm quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu

Thương hiệu không chỉ là một cái tên, một thiết kế logo, sản phẩm đặc trưng hay nguồn tài nguyên marketing. Thương hiệu là tập hợp những cảm nhận của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ với đầy đủ các khía cạnh lý tính và cảm tính. Xây dựng thương hiệu sẽ đánh giá mức độ thành công và vị trí của doanh nghiệp trên thương trường.

Lấy ví dụ về một thương hiệu toàn cầu rất nổi tiếng là Coca Cola. Khoảng 94% dân số nhận biết được logo của Coca có màu đỏ trắng. Ngoài ra, mọi người còn được truyền cảm hứng lạc quan, tinh thần vui vẻ khi nhắc tới thương hiệu Coca.

Chiến dịch quảng cáo “Share a Coke” của Coca Cola đã thành công khi thúc đẩy người tiêu dùng mua sản phẩm mà bản thân yêu thích và cũng để dành tặng cho những người thân yêu

Để có thể xây dựng một thương hiệu, bạn cần tạo ra một chuẩn mực nhất định cho sản phẩm, từ đó xây dựng niềm tin cho khách hàng. Tuy nhiên những thương hiệu nổi tiếng, chiếm lĩnh thị trường không chỉ đem lại cho khách hàng của họ sự hài lòng về sản phẩm, mà còn cả sự hài lòng về mặt cảm xúc. Họ khơi gợi những cảm xúc tích cực khi khách hàng sử dụng sản phẩm của họ, giúp người dùng nhớ đến thương hiệu, tin tưởng thương hiệu và rồi trở thành những khách hàng trung thành.

Bên cạnh đó, thương hiệu tốt còn giúp khách tự đưa ra cho mình những lý do thuyết phục để chọn sản phẩm của thương hiệu đó. Một doanh nghiệp truyền tải thông điệp giá trị rõ ràng và tạo “action” thực sự sẽ thu hút lượng khách hàng trung thành thật sự.

Chẳng hạn như khi mua giày mùa đông với tiêu chí mang lại cảm giác thoải mái, thương hiệu đầu tiên mà người tiêu dùng nghĩ đến là UGG. Thương hiệu này định vị là doanh nghiệp chuyên cung cấp giày dép mùa đông hoải mái và ấm áp cho cả gia đình – và các khách hàng của họ thích điều đó.

Bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu 9 bước xây dựng thương hiệu ecommerce mạnh mẽ nhé!

Bước 1: Tạo dựng nền tảng thương hiệu

Để khám phá và làm rõ hơn thương hiệu eCommerce của bạn, bạn phải thực hiện một số hoạt động thử nghiệm. Thương hiệu của một doanh nghiệp sẽ dựa trên bốn yếu tố:

  • Tầm nhìn (Vision): Tầm nhìn là những gì thương hiệu bạn nỗ lực để đạt được, là tầm ảnh hưởng chứ không phải vấn đề tiền bạc. Ngoại trừ lợi nhuận, động lực gì giúp bạn tạo ra sản phẩm đầu tiên? Tầm nhìn sẽ là thứ vượt xa hơn cả những giao dịch thông thường, những mong muốn bạn muốn mọi người nghĩ tới hoặc cảm giác lâu dài sau khi họ đã sử dụng sản phẩm của bạn.

  • Tiếng nói (Voice): Mỗi thương hiệu sẽ có tiếng nói riêng, dễ nhận biết; đó là những sắc thái khác nhau mà mỗi doanh nghiệp lựa chọn khi giao tiếp với khán giả của mình. Ví dụ thương hiệu bạn có thể hài hước và vui tươi, hữu ích và hỗ trợ, đáng tin cậy, tinh tế… Tiếng nói thương hiệu sẽ giúp các doanh nghiệp tăng độ nhận diện và nhân cách hoá thương hiệu của mình hơn.

  • Giá trị (Values): Khách hàng nói gì về bạn? Ba ưu tiên hàng đầu của bạn là gì? Thương hiệu yêu thích của bạn đang làm gì? Đây là thứ “soi đường chỉ lối” cho các thương hiệu, thông báo mọi thứ về những gì thương hiệu làm và cách thương hiệu thực hiện.

  • Hình ảnh (Visual): Hình ảnh thương hiệu là những biểu tượng hữu hình liên quan đến doanh nghiệp của bạn. Khi bạn đã tạo ra một thông điệp và nhận diện, bạn cần gắn bó với quy chuẩn và sử dụng một cách đồng bộ trong tất cả hoạt động truyền thông.

Việc tạo dựng những nền tảng thương hiệu này cho phép bạn dễ dàng truyền tải những điểm khác biệt của bạn với các thương hiệu khác trên thị trường, đồng thời tạo ra sức ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu, nỗ lực tiếp thị và sản phẩm của mình.

Bước 2: Xác định khách hàng mục tiêu

Tập trung vào đúng đối tượng mục tiêu là cơ sở cho sự thành công đối với bất kỳ doanh nghiệp thương mại điện tử. Ngay cả khi bạn có một sản phẩm hoàn hảo mà không tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu, bạn vẫn sẽ gặp đủ khó khăn trong việc kinh doanh. Đối tượng mục tiêu cần tiếp thị sẽ tương đồng với khách hàng tiềm năng tự nhiên, vì họ rất sẵn lòng trả tiền cho sản phẩm của bạn (vốn dĩ họ đã muốn sử dụng sản phẩm của bạn).

Để nhắm mục tiêu đối tượng thành công, bạn cần phải hiểu:

  • Họ là ai? Đừng dừng lại ở việc tìm hiểu nhân khẩu học cơ bản, bạn nên đi sâu hơn vào nhu cầu, khó khăn và mong muốn của khách hàng.

  • Họ đang ở đâu? Xác định kênh mạng xã hội yêu thích của họ, chẳng hạn như Facebook, Youtube, Twitter hoặc các nền tảng khác.

  • Họ đang gặp khó khăn gì? Xác định các điểm đau của họ, các vấn đề họ đang phải gặp phải mà sản phẩm của bạn có thể giúp giải quyết.

  • Những từ khóa tìm kiếm họ sử dụng. Nghiên cứu về những từ khoá mà đối tượng mục tiêu sử dụng để tìm kiếm sản phẩm của bạn, từ đó tối ưu hoá nội dung và thu hút khách hàng đến với cửa hàng của bạn.

Ví dụ: Sephora đã ưu tiên các ứng dụng di động để phát thẻ quà tặng và coupon, vì đối tượng mục tiêu hàng đầu của họ chủ yếu sử dụng các thiết bị di động.

Bước 3: Đặt tên thương hiệu

Đặt tên thương hiệu là việc bạn nghiễm nhiên phải làm. Ngay từ khi chưa có gì trong tay, chưa có cả tên, phải dựa vào chiến lược thương hiệu mà đặt tên cho phù hợp, không phải thích gì đặt nấy.

Dưới đây là một số nguyên tắc bạn cần nhớ khi đặt tên thương hiệu:

  • Đơn giản và dễ nhớ: Tên có đẹp đến đâu mà khách hàng không biết đọc thế nào hay không nhớ nổi thì cũng ngậm ngùi nhận điểm trừ. Một mẹo dành cho bạn là tên thương hiệu chứa các nguyên âm o, e, a, i thường được khách hàng yêu thích hơn.

  • Khác biệt với đối thủ: Mục đích xây dựng thương hiệu là làm cho mình khác biệt với những đối thủ trên thị trường. Tránh đặt tên na ná tên đối thủ đã có. Khách hàng sẽ không khỏi hoang mang và bước vào nhầm cửa hàng là chuyện bình thường.

  • Có thể mở rộng: Qua năm tháng, khi doanh nghiệp bạn phát triển, cái tên vẫn có thể giữ vững tính liên quan, và thích ứng với đa dạng các dòng sản phẩm mới.

  • Phù hợp với khách hàng mục tiêu: Tên thương hiệu tiếng Anh liệu có phù hợp với khách hàng lớn tuổi hay vùng nông thôn? Khách hàng thuộc phân khúc cao cấp có thích những cái tên bình dân?

Đặt tên là một việc rất thú vị, nhưng cũng rất nhức đầu và có thể gây căng thẳng. Nhưng đây là một việc rất quan trọng nên vì thế bạn phải cực kỳ chú ý, chọn lựa thật kỹ lưỡng, thật ấn tượng, thật dễ nhớ và quan trọng là không gây nhầm lẫn cho người đọc.

Bước 4: Sáng tạo logo dễ nhớ

Một logo được thiết kế riêng sẽ là một dấu ấn, một hình ảnh độc đáo và là bộ mặt của mỗi thương hiệu. Có nhiều cách để tách biệt từng loại logo này cũng như kết hợp chúng với nhau, nhưng cho dù bạn chọn loại logo nào, hãy đảm bảo nó thật dễ nhớ. Toàn bộ những chi tiết trên logo đều có mục đích chung là giúp khách hàng ghi nhớ trực quan đến thương hiệu của bạn.

Thiết kế một logo đơn giản và hiệu quả là một quá trình khá phức tạp. Việc bạn tự “vẽ” một biểu tượng logo có thể khiến nhận diện thương hiệu của mình kém chuyên nghiệp. Hãy cân nhắc lựa chọn những đơn vị thiết kế logo uy tín, các agency chuyên về thương hiệu để có kết quả tốt nhất nhé.

Bước 5: Tập trung vào sản phẩm chất lượng

Các thương hiệu thương mại điện tử mới nổi đang dần trở nên thông minh hơn. Thay vì ra mắt vô vàn sản phẩm mới, họ đã thu hẹp trọng tâm và bắt đầu chỉ với một sản phẩm, cố hết sức để làm cho sản phẩm duy nhất này đạt chất lượng cao nhất.

Ngày nay, người tiêu dùng càng trở nên khó tính và sẽ không dễ dàng chấp nhận các các sản phẩm tầm thường. Bắt đầu với một loạt sản phẩm không có tính thống nhất có thể ảnh hưởng đến chất lượng. Kết quả là người tiêu dùng có khả năng từ bỏ thương hiệu của bạn hoặc quá mệt mỏi khi đã trót lựa chọn tin tưởng bạn. Chính vì vậy, tập trung vào một sản phẩm chất lượng cao có thể khiến khách hàng trở nên trung thành với thương hiệu bạn, đồng thời giúp nâng cao danh tiếng của thương hiệu.

Như hãng Chubbies chỉ tập trung vào mặt hàng quần short retro cho nam giới. Cuối cùng sự tập trung vào chất lượng cho một dòng sản phẩm đã được đền đáp. Họ đã nhanh chóng gặt hái được nhiều doanh thu và trở thành một gã khổng lồ trong ngành thương mại điện tử.

Bước 6: Để cá tính thương hiệu tỏa sáng

Khách hàng không tìm kiếm một công ty diện mạo khác chỉ để cung cấp những sản phẩm đã có trên thị trường. Điều khách hàng đang tìm kiếm là một trải nghiệm phù hợp với nhu cầu, được hỗ trợ bởi sự tương tác cá nhân thực sự.

Bạn đang tự hỏi làm thế nào để xây dựng thương hiệu một cách độc đáo? Hãy cá nhân hóa thương hiệu và giữ vững tính cách thương hiệu trên tất cả các chạm. Nó có thể đơn giản như:

  • Một giọng nói đàm thoại trong giao tiếp

  • Chia sẻ nội dung hậu trường

  • Kể chuyện về những trải nghiệm thực tế

  • Mô tả sản phẩm của bạn một cách sáng tạo, độc đáo

Bước 7: Kiên định

Hãy nghĩ về một trong những thương hiệu yêu thích của bạn ngay lúc này. Bạn đã gắn bó với họ qua nhiều năm, thậm chí có thể cả thập kỷ. Bạn sẽ không nghĩ đến việc “phản bội” họ và tìm đến một thương hiệu khác nếu không có lý do chính đáng. Tại sao? Bởi vì họ luôn kiên định và đáp lại lòng trung thành của bạn. Họ xuất hiện hàng tháng, hàng năm, luôn kiên định trong việc cung cấp những sản phẩm chất lượng cao. Và thế là, bạn quyết định trung thành với họ.

Với tiếng nói sẵn có của thương hiệu, bạn có thể làm nó trở nên nhất quán trên tất cả các phương diện kinh doanh như website, mạng xã hội, thiết kế sản phẩm… Có một cái nhìn và cảm nhận nhất quán trong mọi việc bạn làm sẽ đảm bảo khách hàng có được trải nghiệm và chất lượng sản phẩm như nhau khi tương tác với thương hiệu bạn.

Bước 8: Trung thực

Dĩ nhiên bạn không cần phải trung thực đến từng xu từng cắc, phải trưng hết tất cả thương hiệu của bạn trên mạng xã hội hay các kênh truyền thông. Nhưng ít nhất hãy đảm bảo nguyên tắc những gì bạn chia sẻ với người khác đều trung thực. Bởi nếu chỉ xây dựng thương hiệu dựa vào hình ảnh làm quá, khác xa với cuộc sống thực, hoặc bắt chước những câu nói/bài viết của người khác, bạn sẽ hoàn toàn không có gì ở phần lõi cả. Đến một ngày, bong bóng vỡ tan, đương nhiên thương hiệu của bạn khi đó cũng chỉ là tàn tích không mấy tốt đẹp trong lòng người tiêu dùng.

  • Chất lượng sản phẩm: Đừng bán quá nhiều hoặc tâng bốc quá mức những gì bạn đang cung cấp. Hãy luôn trung thực và khách hàng sẽ nhận được chính xác những gì họ mong đợi (Ví dụ: Đừng nói rằng sản phẩm của bạn “xanh” khi thực chất không phải vậy).

  • Trả hàng và vận chuyển: Đây thường là vấn đề gây tranh cãi với khách hàng. Vì vậy hãy đặt ra những kỳ vọng thực tế về khả năng của bạn tại đây. Càng rõ ràng và trung thực càng tốt.

Bước 9: Phân tích và điều chỉnh

Căn chỉnh mọi thứ bạn làm để kết nối tốt hơn với khách hàng mục tiêu của bạn, và kết quả bạn nhận được sẽ là danh tiếng của thương hiệu thương mại điện tử trên thị trường. Dưới đây là một số mẹo về cách thực hiện:

  • Tạo một tuyên bố giá trị nói về những điều làm nên sự khác biệt của bạn.

  • Chia sẻ một thông điệp nhất quán trên tất cả các kênh.

  • Tận dụng các công nghệ và chiến lược mới nhất trong Marketing thương hiệu.

  • Dựa vào nội dung do người dùng tạo để tạo ra nội dung gắn kết.

  • Sử dụng hashtags hợp xu hướng để người mua hàng tìm thấy cửa hàng của bạn.

Tổng kết

Thương mại điện tử chắc chắn sẽ tăng trưởng hơn trong tương lai, và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử là một “cuộc chơi” dài hơi. Muốn phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu chính là yếu tố tiên quyết không thể thiếu. Hãy cố gắng từng bước một và mọi thứ sẽ thật dễ dàng nếu bạn luôn biết bạn là ai, bạn phải làm gì và luôn liên tục thay đổi và đổi mới.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *