12 “bí thuật” marketing kéo sales về đơn giản mà hiệu quả

Marketing không phải cái gì mơ hồ, hiệu quả của marketing luôn gắn với hiệu quả về doanh thu. Tham khảo ngay những gợi ý về chiến thuật marketing để tăng doanh số nhé.

Tiếp thị thương mại điện tử là cách sử dụng các chiến thuật quảng cáo để tăng lưu lượng truy cập đến cửa hàng trực tuyến của bạn, chuyển đổi lưu lượng đó thành khách hàng, và khiến họ quay lại nhiều hơn sau khi đã mua hàng. Nhưng cho dù bạn đã đưa ra một chiến lược cơ bản, bạn có thể gặp khó khăn để quyết định nên thử chiến thuật marketing nào.

Đó là lý do tại sao chúng tôi đã tổng hợp các chiến thuật marketing hiệu quả cùng với những ý tưởng giúp bạn triển khai từng cách tiếp cận.

1. Upsell sản phẩm

Có đơn hàng thôi vẫn chưa đủ, bạn phải tìm cách để có một đơn hàng “ngon” hơn. Lúc này đây, bạn cần tiếp cận khách hàng và “dụ” họ mua một sản phẩm cao cấp hơn loại ban đầu họ dự định mua.

Đối với nhiều doanh nghiệp, bán thêm và bán kèm thậm chí còn tăng doanh thu tốt hơn việc cố tìm kiếm những khách hàng mới. Đôi khi khách hàng của bạn không hề hay biết có những sản phẩm cao cấp hơn, hoặc họ cần thêm lý do để thuyết phục mình nâng cấp theo nhu cầu.

Có hai lưu ý quan trọng khi dùng chiến thuật bán thêm để tăng doanh số:

  • Sản phẩm phù hợp với nhu cầu ban đầu của khách hàng

  • Mức giá cao hơn nhưng không quá chênh lệch

Ví dụ khi bạn đang kinh doanh tranh canvas, hãy gia tăng lợi nhuận bằng việc đưa ra các sự lựa chọn nâng cấp lên kích cỡ lớn hơn.

2. Giảm thiểu tỉ lệ bỏ rơi giỏ hàng

Có khách hàng đã thêm món đồ vào giỏ hàng, nhưng cuối cùng lại không mua, giống như bạn đã đưa miếng bánh lên đến miệng rồi còn bị rơi mất. Đáng buồn là theo khảo sát từ Baymard Institute, có đến 69.23% giỏ hàng bị bỏ rơi.

Lý do giỏ hàng bị bỏ rơi khi đến bước thanh toán

Hãy giải quyết các đơn hàng chưa hoàn tất này bằng cách gửi email nhắc nhở khách hàng hoàn thành giao dịch, giải quyết những vấn đề mà họ gặp phải, hoặc thuyết phục thêm bằng cách giảm giá hoặc miễn phí vận chuyển chẳng hạn.

3. Cải thiện chiến dịch email marketing

Email marketing là một hình thức ít tốn kém, mang lại nhiều hiệu quả doanh thu nhưng lại thường bị bỏ quên. Khi ai nấy đều đua nhau đăng thật nhiều bài viết trên Facebook, người dùng thì bị quá tải, lúc này một chiếc email nhẹ nhàng có thể mang lại sự tương tác mật thiết hơn. Không chỉ vậy, email còn cho bạn không gian để “bày tỏ” những điều không thể truyền tải trong các bài đăng trên mạng xã hội.

Để bắt đầu với email marketing, hãy tích cực quảng bá bản tin điện tử, trang blog của bạn và bất kỳ nội dung email nào để có được càng nhiều người đăng ký nhất càng tốt. Giống như Huckberry đã mời chào người dùng đăng ký email khi lần đầu truy cập vào trang web của họ.

Có rất nhiều dịp để bạn có “cớ” gửi email cho khách hàng:

  • Email chào mừng/ cám ơn ngay sau khi khách vừa mua hàng.
  • Gửi thông tin về khuyến mãi/ quà tặng.
  • Gửi các bản tin điện tử hàng tuần/ tháng để thông báo các ưu đãi mới, mẹo sản phẩm hoặc đôi khi là tin tức về doanh nghiệp.
  • Chia sẻ nội dung hữu ích giúp khách hàng tận dụng tối đa các chức năng của sản phẩm mà họ mua gần đây.
  • Chạy chiến dịch BOGO trong dịp nghỉ lễ để thúc đẩy hoạt động tự thưởng cho mình.
  • Nếu ai đó bước vào trang web của bạn nhưng không mua hàng, hãy xin ý kiến trải nghiệm và phương án để bạn có thể cải thiện tốt hơn.

4. Làm cho việc mua hàng dễ dàng hơn

Nếu một cửa hàng thực tế thiết kế không đẹp, hàng hóa trưng bày không hấp dẫn, không dễ tìm sản phẩm, thanh toán quá lâu… thì chắc chắn không thu hút được nhiều người ghé đến.

Một cửa hàng trực tuyến cũng vậy. Vì không có nhân viên bán hàng trợ giúp bên cạnh khi mua sắm online, mọi thứ cần phải được trình bày rõ ràng hơn. Việc thiếu mất những thông tin cần thiết, phông chữ khó đọc, điều hướng lung tung là những thứ sẽ gây bất tiện, khó chịu cho khách mua hàng.

Hãy xem lại thiết kế và cách trình bày cửa hàng của bạn. Bạn đã phân loại sản phẩm cho phù hợp chưa? Bạn có đặt quá nhiều sản phẩm trên một trang không? Bạn đã cân bằng giữa hình ảnh và văn bản chưa?

Bellroy đã phân bố sản phẩm rất rõ ràng ngay từ trên thanh menu

5. Tương tác với khách mua hàng qua livechat

Các dịch vụ livechat ngày càng gia tăng không chỉ bởi sự tiện lợi của chúng, mà còn về số lượng người dùng mong đợi khi tìm hiểu về các cửa hàng mà họ muốn mua. Điều này có nghĩa là bạn không nên bỏ lỡ một cơ hội tuyệt vời để lôi kéo khách hàng.

Khi trò chuyện trực tiếp với khách hàng, bạn sẽ hiểu thêm về nhu cầu và các thắc mắc của họ, qua đó đưa ra lời thuyết phục đáng tin cậy. Thậm chí kể cả khi khách hàng không chat với bạn, nhưng chỉ cần nhìn thấy khung chat họ cũng yên tâm phần nào, vì họ biết bạn luôn ở bên cạnh sẵn sàng trả lời họ.

6. Lên kế hoạch content marketing

Nếu đã làm thương mại điện tử, bạn nên viết blog thường xuyên để kết nối với khách hàng và đạt xếp hạng cao hơn trên các công cụ tìm kiếm. Bạn có thể viết những bài cung cấp thông tin và giá trị cho khách hàng, hướng dẫn cách sử dụng sản phẩm hiệu quả, đăng bài trên những website cho phép khách truy cập tương tác để tăng độ nhận diện thương hiệu, tạo backlinks để phục vụ cho SEO.

Đồng thời hãy nhớ rằng nội dung của bạn không nhất thiết phải ở dạng chữ viết. Hãy linh động sử dụng hình ảnh, video, podcast…

7. Tận dụng nội dung do người dùng sáng tạo (UGC)

Đừng đánh giá thấp khách hàng của bạn. Chịu khó tìm kiếm một chút, bạn sẽ có được những bức ảnh đẹp họ chụp và nhiều câu chuyện chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội. Với sự cho phép của họ, đôi khi chỉ cần thông qua một bình luận bạn hãy tích cực retweet hoặc repost nội dung của họ về trang của bạn. Đây vừa là cách tạo niềm tin với khách hàng mới, vừa có thể tri ân khách hàng đã sử dụng sản phẩm của bạn.

Mọi người thường có xu hướng nói về những sản phẩm có thể phản ánh đời sống của họ thông qua các nền tảng mạng xã hội. Nội dung do người dùng tạo ra sẽ giúp lan tỏa thương hiệu của bạn và hãy tận dụng nó như một ưu thế.

8. Tối ưu hóa trang sản phẩm

Tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi là công việc tối ưu hóa trang web của bạn để tăng tỉ lệ chuyển đổi và doanh số bán hàng. Điều này sẽ giúp bạn xác định được các phần có vấn đề trên trang web.

Bạn đang giảm doanh thu bán hàng ở đâu? Ai đã rời đi và tại sao? Bạn có thể làm gì để nắm bắt lại những cơ hội bị bỏ lỡ đó? Quá trình này được thực hiện thông qua các nghiên cứu định tính và định lượng để bạn có cái nhìn tổng thể khi cải tiến trang web của mình.

Khi bạn đã làm xong công việc nghiên cứu để xác định những ưu điểm và nhược điểm, bạn có thể phát triển các giả thuyết và thử nghiệm để xem cách tiếp cận nào tạo ra doanh số bán hàng nhiều nhất.

9. Tối ưu hóa cho thiết bị di động

Theo Statista, đến năm 2021, hơn một nửa lượng mua sắm trực tuyến sẽ diễn ra trên các thiết bị di động. Điều đó có nghĩa là thiết kế trang web của bạn phải “hợp mắt” người sử dụng di động trong suốt quá trình trải nghiệm của họ.

Bạn có thể cân nhắc làm nút “Add to cart” lớn hơn để khách hàng dễ dàng nhấn vào mà không cần phóng to màn hình, hoặc thay đổi định dạng hình ảnh để sản phẩm trông to rõ và đẹp mắt hơn khi xem trên điện thoại.

10. Thưởng cho khách hàng trung thành của bạn

Một trong những cách để thưởng cho các khách hàng trung thành và những người chi tiêu nhiều là triển khai chương trình khách hàng thân thiết. Cách này sẽ tạo động lực mua sắm cho khách hàng và khiến họ luôn chú ý đến thương hiệu của bạn thông qua lời nhắc nhở tự động.

Bạn có thể tự chọn cách thưởng cho khách hàng, tần suất và các hoạt động cụ thể. Ví dụ bạn có thể làm một chương trình tích điểm, khách hàng sẽ có số điểm riêng để được quy đổi giảm giá, giao hàng miễn phí hoặc quà tặng miễn phí. Điều này làm cho khách hàng háo hức truy cập vào website của bạn. Hơn thế nữa, đây là cơ hội để bạn quảng cáo sản phẩm của mình tới khách hàng, kích thích nhu cầu mua hàng của họ.

11. Dự đoán trước tình hình doanh số

Nếu bạn có khả năng mở rộng dòng sản phẩm của mình, thì bạn nên đánh giá nhu cầu thị trường và xem liệu nó có xứng đáng với chi phí mình bỏ ra hay không bằng nhiều cách: nghiên cứu từ khóa, địa lý, xu hướng mạng xã hội… Ngoài ra, còn một cách nữa để biết một mặt hàng có được nhiều người quan tâm hay không là bán trước nó để xem có bao nhiêu người đặt hàng.

Chẳng hạn như bạn là một người bán giày và đang phân vân không biết nên tung ra loại nào trong ba sản phẩm sắp nhập về. Bạn hãy đưa chúng lên cửa hàng trực tuyến, nhưng để thành “Hết hàng”. Hãy xem có bao nhiêu khách yêu cầu liên hệ lại khi có hàng, bạn sẽ biết đâu là sản phẩm nên nhập về bán trong tương lai, giống như cách KEEN làm dưới đây.

12. Cá nhân hóa

Cá nhân hóa là một chiến thuật marketing hiệu quả khác để thúc đẩy doanh số trực tuyến. Bạn có trong tay những dữ liệu về hành vi và trải nghiệm người dùng, từ đó có thể “chăm sóc” từng đối tượng một cách tận tình hơn, đáp ứng đúng nhu cầu hơn.

Bạn cũng có thể xem xét cá nhân hóa đối với vị trí địa lí để tạo ra trải nghiệm phục vụ cho khách hàng trên toàn thế giới. Một người nào đó ở miền nam California có thể đang tìm kiếm style thoáng mát để đón ánh nắng chan hòa vào tháng 10, trong khi khách hàng ở Michigan có thể cần các loại áo ấm.

Đến lượt bạn!

Trên đây là 12 chiến thuật “xịn xò” giúp giữ vững và tăng doanh thu bán hàng ngay cả trong bối cảnh mùa dịch như hiện nay. Hy vọng những chia sẻ trên bạn sẽ lựa chọn được cho doanh nghiệp của mình giải pháp phù hợp giúp tăng doanh số, tối ưu hóa lợi nhuận.

Bài viết liên quan