Quy trình thanh toán online là một trong những mắt xích quan trọng của hệ thống thương mại điện tử, góp phần tạo nên thành công của doanh nghiệp.
Bạn có thể thu hút sự quan tâm của mọi người và khiến họ nhấp vào sản phẩm, nhưng chỉ sau bước thanh toán thì giao dịch bán hàng mới được tính là thành công. Vì vậy, hãy hoàn tất giao dịch bán hàng và tăng tỉ lệ chuyển đổi bằng cách cung cấp trải nghiệm thanh toán chất lượng cao cho khách hàng của bạn.
Bài viết này sẽ đưa ra những gợi ý giúp quá trình thanh toán trở nên dễ dàng nhất có thể.
1. Đa dạng tùy chọn thanh toán
Khi thiết kế trang thanh toán trên website, bạn nên tích hợp nhiều cổng thanh toán cũng như hình thức thanh toán để tạo cảm giác thân thiện, gia tăng trải nghiệm người dùng, và người mua hàng sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc chọn hình thức thanh toán họ yêu thích.
Nhưng làm thế nào để bạn biết hình thức thanh toán mà khách hàng mong muốn? Hãy xem lại dữ liệu của bạn để xem hầu hết mọi người chọn hình thức thanh toán nào. Hoặc bạn có thể gửi khảo sát cho tất cả subscriber và hỏi họ yêu thích hình thức thanh toán nào.
- Gửi email khảo sát: Sendinblue có một phần mềm gửi email hàng loạt, cho phép bạn gửi tối đa 300 email mỗi ngày miễn phí. Tiếp đó, bạn có thể sử dụng dịch vụ tạo khảo sát miễn phí như JotForm (hoặc một dịch vụ trả phí với nhiều tính năng hơn như SurveyMonkey).
- Tạo cuộc thăm dò ý kiến trên mạng xã hội: Nếu bạn có nhiều lượng người theo dõi trên mạng xã hội, hãy cân nhắc tạo một cuộc thăm dò nhanh để tìm hiểu họ muốn sử dụng phương thức thanh toán nào.
2. Cung cấp chức năng mua hàng không cần đăng nhập
Khách hàng đưa ra quyết định mua hàng rất nhanh và sự thực là họ cũng rất nhanh… suy nghĩ lại hoặc đổi ý. Vì vậy, bạn nên nhanh chóng bắt lấy mọi khoảnh khắc mà ý tưởng mua hàng xuất hiện trong đầu họ. Và một trong các cách để thực hiện điều đó là tích hợp tính năng cho phép khách hàng điền thông tin trực tiếp để tạo đơn hàng.
Nguồn: Nike
Bằng cách nhập thông tin thủ công này, bạn sẽ nhận được dữ liệu nhanh hơn. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý sẽ nhận phải các đơn hàng “fake”, không xác thực. Bạn có thể khắc phục tình trạng này bằng cách gửi email xác nhận trước khi tiến hành giao hàng.
3. Hiển thị hướng dẫn mua hàng
Có thể bạn giỏi công nghệ, nhưng phần đông khách hàng của bạn thì không. Tuy nhiên, những đối tượng này lại quyết định mua hàng nhanh và thường có nhu cầu mua số lượng lớn. Vì vậy, việc hiển thị hướng dẫn mua hàng (như cách điền các ô thông tin, giá trị cần điền) là việc không thừa nếu bạn muốn tối ưu hóa quy trình thanh toán.
Nguồn: Bellroy
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cho hiển thị những bài hướng dẫn các bước mua hàng, hình thức giao nhận, chính sách đổi trả ở cuối trang. Từ đó, khách hàng có thể dễ dàng tìm thấy thông tin họ đang thắc mắc và được giải quyết ngay lập tức.
4. Hiển thị huy hiệu bảo mật thanh toán
Bạn có thể làm cho quá trình thanh toán an toàn hơn bằng cách hiển thị huy hiệu bảo mật trên trang thanh toán của bạn.
Huy hiệu uy tín bao gồm:
- Huy hiệu thanh toán an toàn
- Xác nhận của bên thứ ba như một logo uy tín (chẳng hạn như logo Norton Secured)
- Huy hiệu hoàn trả miễn phí
- Huy hiệu đảm bảo hoàn tiền
Điều này sẽ khiến người mua sắm yên tâm hơn khi mua hàng trên cửa hàng bạn. Nếu khách hàng có bất kỳ nghi ngờ nào khi mua hàng từ cửa hàng bạn, họ cũng sẽ không sợ bị mất số tiền đó.
5. Thêm chức năng “Save for later” và lời nhắc nhở
Hiện nay, một số công ty thương mại điện đang áp dụng cách này và khá thành công. Đơn cử như trường hợp của Anthropologie, trong trang thanh toán này có chức năng “Save for later”, cho phép khách hàng để lại những sản phẩm họ chưa cần thiết phải mua ngay lúc đó trong một khu vực riêng, và hệ thống sẽ nhắc nhở họ trong lần mua hàng tiếp theo.
Nguồn: Anthropologie
Băng cách này, bạn sẽ “nhớ giùm” khách hàng hành vi mua sắm cũng như sản phẩm yêu thích của họ. Lần tới thay vì mất thời gian xem xét lại sản phẩm từ đầu, khách hàng sẽ tiết kiệm thời gian hơn với “Giỏ hàng để dành” họ đã chọn lọc từ trước.
6. Tránh hiển thị popup, biểu tượng mạng xã hội và đăng ký email
55% khách hàng thừa nhận họ sẽ di chuột để tắt trang ngay khi nhìn thấy cửa sổ pop up hiện ra vì cảm thấy bị làm phiền. Vì vậy, hầu như tất cả những mẫu thông điệp hiện ra cùng lúc với trang web đều không thu hút được nhiều khách hàng truy cập, đặc biệt là khi đang thanh toán.
Bạn có thể tự tạo một landing page đơn giản và tập trung vào mục đích chính bằng cách sử dụng trình tạo dựng landing page Leadpages. Nó cung cấp cho bạn rất nhiều tùy chọn và các yếu tố thiết kế để sử dụng.
7. Cung cấp email invoice nhấn để thanh toán ngay
Nếu khách hàng không thoải mái với việc tiền tự động ghi nợ từ tài khoản của họ, bạn cũng có thể gửi email invoice thanh toán bằng một cú nhấp chuột.
Cung cấp cho khách hàng hình thức thanh toán qua email invoice này chỉ đơn giản tăng hình thức thanh toán một cách an toàn nhất có thể. Hình thức này rất tiện lợi vì mỗi khách hàng sẽ có nguồn thu nhập khác nhau, có nghĩa là ngày trả lương của họ sẽ quyết định khi nào họ có thể thanh toán tất cả hóa đơn của mình.
8. Xác nhận thanh toán
Sau khi khách hàng hoàn thành quá trình thanh toán, bạn nên gửi thông báo xác nhận đơn hàng và lời cảm ơn tới họ. Hình thức thường gặp nhất là gửi thông báo qua email, bao gồm các thông tin chi tiết của đơn hàng như giá trị sản phẩm, chi phí vận chuyển, tổng giá trị đơn hàng hoặc bất cứ thông tin khác khách hàng yêu cầu.
Nguồn: Zalando
Đến lượt bạn!
Bán hàng online hay xây dựng một website bán hàng chất lượng là cuộc cạnh tranh khốc liệt mà trong đó, trang web nào chỉn chu hơn, hiểu và giành được thiện cảm của khách hàng hơn thì sẽ giành được đơn hàng, bán được nhiều hàng hơn. Vì vậy, tối ưu hóa trang thanh toán là phần quan trọng và mấu chốt nhất để giúp tăng tỉ lệ thành công hơn!