Dần dần các Marketer đã nhận ra Gen Z với đặc trưng trong phong cách sống và quan điểm đã là “đối tượng” mà bao thương hiệu muốn chinh phục.
Rất nhiều chủ cửa hàng thương mại điện tử nghĩ rằng những thông điệp truyền thông của mình chẳng thể lọt vào tai của Gen Z. Nhưng thực tế, Gen Z được cho là những người lan tỏa những ảnh hưởng tích cực và đang “thay đổi cả thế giới”. Vì vậy, để chinh phục Gen Z, các marketers phải thay đổi phương pháp và có những chiến lược sáng tạo đến đối tượng mục tiêu này!
Việc tìm kiếm khách hàng mới đòi hỏi thời gian và kiến thức sâu rộng về đối tượng bạn nhắm đến. Để giúp bạn phát triển một chiến lược thu hút sự chú ý từng đối tượng phù hợp, dưới đây là một vài số liệu về Gen Z, sở thích của họ và những gì họ đang tìm kiếm.
Những đặc trưng của Gen Z
Gen Z là những người sinh từ năm 1996 đến 2012, vì vậy tất cả những người ở độ tuổi từ 9 – 25 được coi là thuộc Gen Z. Đây được xem là thế hệ đầu tiên có cơ hội tiếp xúc với công nghệ ngay từ rất nhỏ. Gen Z chứng kiến sự phát triển của công nghệ mỗi ngày, do đó, họ không chỉ được xem là “digital-savvy”, hiểu biết về kỹ thuật số đơn thuần, mà còn là “digital-natives”, mọi hoạt động của cuộc sống đều gắn liền với sự kết nối, thông tin và công nghệ.
Sinh ra và lớn lên cùng Internet, Gen Z dường như miễn nhiễm với các chiến dịch marketing. Vì vậy, nếu bạn muốn giao tiếp với những người thuộc Gen Z, bạn phải cần minh bạch và trung thực.
Gen Z được biết đến với khả năng nắm bắt công nghệ và áp dụng để phục vụ cuộc sống vô cùng nhạy bén. Về vấn đề tài chính, gen Z tương đối bảo thủ do từng trải qua cuộc đại suy thoái kinh tế thế giới. Rất nhiều người Gen Z cho rằng việc kiếm thật nhiều tiền chính là bằng chứng của sự thành công.
Sức ảnh hưởng của Gen Z
Trong thời đại chín muồi của công nghệ, Gen Z với sự mới mẻ trong cả suy nghĩ, lối sống, ý thức xã hội, mang đậm chủ nghĩa cá nhân, vì vậy mà dần trở thành nhóm tuổi dễ tiếp cận nhất mọi thời đại và hứa hẹn tạo ra thay đổi lớn cho ngành thương mại điện tử. Thậm chí, 9/10 phụ huynh cho biết quyết định mua sản phẩm của họ đều bị ảnh hưởng từ con cháu thuộc Gen Z.
Mọi người đang thay đổi dần thói quen mua sắm, và các nhà bán lẻ cũng đang điều chỉnh chiến lược marketing để phù hợp với sự thay đổi đó. Gen Z đang dần không còn mua sắm tại các cửa hàng lớn mà chuyển sang các cửa hàng nhỏ hơn vì không muốn để ứ dồn hàng tồn kho.
Đó là lý do tại sao Gen Z lại là đối tượng mục tiêu hoàn hảo cho các chủ cửa hàng kinh doanh theo mô hình POD. Các mặt hàng chỉ được làm ra khi có đơn đặt hàng, vì vậy không cần phải lo lắng về hàng tồn kho. Vì bất kỳ ai cũng có thể mở một cửa hàng thương mại điện tử, Gen Z sẽ có rất nhiều sự lựa chọn về thiết kế từ các doanh nghiệp nhỏ, cho dù đặt hàng với số lượng ít.
Chiến lược tiếp thị đến Gen Z
Để thuyết phục thành công Gen Z mua sản phẩm của bạn, thỉnh thoảng bạn chạy một quảng cáo trên Facebook vẫn chưa thấm. Bạn cần phải tạo ra nội dung trending, bắt kịp xu hướng và giải thích lý do tại sao sản phẩm của bạn sẽ cung cấp giá trị cho họ.
1. Tập trung vào điện thoại
Theo Think With Google, Gen Z đặc biệt dành nhiều thời gian cho Internet di động. Khoảng 71% thanh thiếu niên Gen Z sử dụng thiết bị di động để xem video, trong khi 51% sử dụng điện thoại để lướt mạng xã hội và mua sắm trực tuyến.
Thử nghĩ xem nếu bạn là một khách hàng đang lướt tìm một chiếc váy để đi dự tiệc. Rất nhiều cửa hàng trực tuyến bạn đã truy cập có một danh mục sản phẩm rất hoành tráng, nhưng bạn không cảm thấy rung động hay bị cuốn hút chỉ vì trang web không được tối ưu hóa trên điện thoại.
Nếu bạn thực sự muốn thu hút sự chú ý từ Gen Z, bạn cần phải đảm bảo website phiên bản di động hoặc các trải nghiệm dựa trên điện thoại khác đơn giản và dễ sử dụng. Hãy tập trung vào tối ưu thiết bị di động trước. Có rất nhiều theme trên Shopify đáp ứng tuyệt vời nhu cầu của bạn đấy.
Ngoài ra, trang web cần phải bao gồm đầy đủ thông tin hữu ích. Như đã nói, Gen Z dành nhiều thời gian để nghiên cứu sản phẩm trực tuyến, rút ra kết luận từ cả nhà cung cấp và người đánh giá khách quan. Trang web phải dễ điều hướng, có tất cả các thông tin cần thiết mà người tiêu dùng tìm kiếm và đạt mức độ thẩm mỹ nhất định. Các công ty sở hữu nhiều hơn 1 định dạng web nên tối ưu hóa trang trên thiết bị di động, vì 9/ 10 thanh thiếu niên ngày nay đều sở hữu một chiếc điện thoại.
Trang sản phẩm của Saved by the Dress Sản tải rất lâu, đồng thời có nhiều chi tiết và màu sắc rối mắt ảnh hưởng đến quá trình trải nghiệm mua hàng
2. Bán trải nghiệm, không phải sản phẩm
Tiếp xúc với internet từ sớm, Gen Z “tỉnh táo” hơn khi tiếp nhận những thông tin quảng cáo, tiếp thị từ các nhãn hàng. Rõ ràng, những quảng cáo bán hàng lộ liễu hay quá phô trương, phi thực tế đều không tác động đủ lớn đến hành vi mua, thậm chí chính chúng còn tạo ác cảm với những người trẻ thuộc thế hệ mới này.
Gen Z là thế hệ dường như gắn với mạng xã hội, tưởng chừng ảo nhưng thực chất Gen Z lại hướng đến những giá trị rất thực, thực đến trần trụi, đôi khi là xấu xí. Những quảng cáo có insight gần gũi, sâu sắc, thể hiện chân thực cuộc sống và mang lại giá trị cộng đồng mới thật sự tác động đến họ.
Bạn đừng chỉ nói mà hãy làm nữa, thế hệ Z sẽ luôn phát hiện ra thông điệp tiếp thị đi chệch cam kết ban đầu. Hãy luôn trung thực với bản thân, thương hiệu và khách hàng của bạn.
Trường hợp điển hình là vào năm 2019, H&M đã chấm dứt thương hiệu Nyden chỉ sau 2 năm tồn tại. Mục đích của thương hiệu là nhằm thu hút khách hàng trẻ tuổi, nhưng nó lại thiếu các giá trị mà thương hiệu hứa hẹn sẽ mang đến. Chẳng hạn như Nyden bị chỉ trích vì không có áo thể thao với kích thước lớn, mặc dù đối tượng khách hàng mà họ nhắm tới là những người có xu hướng tôn trọng “vẻ đẹp” cơ thể.
3. Email và mạng xã hội – sân chơi tiềm năng
Đối với Gen Z, email là nơi bạn có thể quảng cáo kinh doanh hoặc cập nhật tin tức mới. Thực tế là họ có mong chờ bạn gửi những email có giá trị đều đặn, nhưng không phải đến nỗi spam hộp thư của họ. Bạn hãy hình dung email cũng giống như hệ thống tiêu hóa; họ có thể tiếp nhận nhưng phải từ từ, phải có lịch trình gửi cụ thể và thông tin hữu ích cho độc giả.
Tips: Đối với các thương hiệu nhắm vào đối tượng khách hàng trẻ năng động, hãy cân nhắc sử dụng biểu tượng cảm xúc (emoji) trong tiêu đề để thu hút sự chú ý của người nhận, từ đó tăng tỷ lệ mở thư.
Nguồn: Converse
Còn mạng xã hội là nơi bạn có thể dành riêng cho nội dung hậu trường thú vị và cập nhật hàng ngày. Bạn cần lưu ý rằng cố gắng thu hút khách hàng vào trang mạng xã hội là điều không thể. Vì vậy, bạn hãy tập trung nỗ lực vào các nền tảng nơi thế hệ Z dành nhiều thời gian sử dụng.
Đặt cược tốt nhất theo thứ tự nên là Instagram, Snapchat và YouTube. Instagram cho phép quảng cáo được chèn liền mạch với nội dung của người dùng để nội dung ít gây khó chịu cho khách hàng hơn so với các nền tảng khác.
4. Video, video, video
Một xu hướng tạo nội dung khác chính là làm video. Video content là cách thức thu hút sự chú ý của Gen Z hiệu quả nhất. Khảo sát của Decision Lab đã tiết lộ rằng YouTube là nền tảng web mà Gen Z truy cập đầu tiên khi muốn tìm kiếm sự giải trí hay vui vẻ.
Tuy nhiên, Youtube cũng không phải là nơi duy nhất chứa đựng video content. Instagram cũng là một nền tảng tiềm năng với Instagram Stories. Và không thể không kể đến cái tên nổi nhất thời gian gần đây – TikTok. Làm marketing trên TikTok là điều bạn cần đặc biệt lưu ý nếu muốn nhắm đến đối tượng Gen Z này.
Bạn đừng quên tập trung vào chất liệu làm video tạo cảm giác thích thú cho dù họ đang bật hoặc tắt âm thanh. Hầu hết người dùng sẽ lướt các video mà không cần bật tiếng. Từ khóa được quan tâm hoặc một cảnh quay bắt mắt có thể khiến thế hệ Z dừng lại và xem video của bạn đấy.
5. Kết nối và tương tác
Người dùng internet thuộc gen Z có khuynh hướng độc lập và sở hữu tiếng nói riêng. Vì vậy, việc cho phép họ chia sẻ suy nghĩ trên các kênh truyền thông của doanh nghiệp là một bước đi đúng đắn để xây dựng mối quan hệ với họ. Hãy tham gia và tương tác kịp thời với các cuộc thảo luận hấp dẫn, câu hỏi hoặc các cuộc thi vui nhộn.
Trên thực tế, 76% các thành phần Gen Z nói rằng họ muốn các thương hiệu phản hồi lại bình luận và xem khả năng phản hồi này là chìa khóa để xác định tính xác thực của một thương hiệu. 41% thế hệ này đã đọc ít nhất 5 đánh giá trực tuyến trước khi mua hàng và họ chia sẻ gấp đôi số phản hồi tích cực so với tiêu cực.
Bạn nên bắt đầu từ đâu?
Tiếp thị cho Gen Z là một trò chơi hoàn toàn mới và chúng ta phải có những tư duy và phân tích thật đúng đắn. Vì vậy, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp hãy không ngừng thay đổi để đáp ứng được nhu cầu của họ. Thấu hiểu tâm lý để đưa ra chiến lược quảng bá hiệu quả và vận dụng các công nghệ vào quy trình bán hàng là những gợi ý bạn không thể bỏ qua.