Trong những ngày đầu xây dựng cửa hàng trực tuyến, không có gì lạ khi bạn có thể thu hút hàng trăm, thậm chí hàng nghìn khách truy cập, nhưng vì một số lý do nào đó mà… không có doanh thu.
Traffic website nhiều chứng tỏ bạn đã thành công trong việc tiếp cận đến nhiều khách hàng. Trong đó, có thể nói SEO website đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong bước tiếp cận này. Tuy nhiên, giữa tiếp cận và thuyết phục mua hàng còn kéo dài cả một quãng đường.
Trên quãng đường này, có thể trang web của bạn mắc phải những lỗi sau khiến khách hàng đột ngột thoát ra ngoài mà chưa mua gì.
Điều hướng cửa hàng như một khách hàng mới
Điều hướng trang web là các đường dẫn bên trong trang để kết nối các trang với nhau. Mục đích chính của điều hướng là giúp người mua sắm dễ tìm thấy sản phẩm, thông tin họ cần trên đó.
Và công cụ tìm kiếm như Google sử dụng điều hướng để khám phá, lập chỉ mục các trang. Cấu trúc liên kết giúp Google hiểu được nội dung, ngữ cảnh của trang, cũng như mối quan hệ của nó với các trang khác trong một trang web.
Menu điều hướng chính của bạn có dễ sử dụng không?
Trong hầu hết các trường hợp, người dùng sử dụng thanh menu điều hướng trên trang web của bạn để tìm hướng đi từ trang chủ đến trang sản phẩm và thanh toán. Chúng thường được tìm thấy ở đầu trang và cuối trang web của bạn.
Nguồn: Bailey Nelson
Các menu điều hướng đầu trang thường hiện nút Shop và dẫn đến trang bộ sưu tập có tất cả sản phẩm của thương hiệu, hoặc theo dạng menu thả xuống để sắp xếp các sản phẩm theo danh mục như áo len, áo thun, quần short…
Nguồn: Morphe
Tùy thuộc vào hình thức kinh doanh, bạn có thể chèn thêm liên kết đến các trang khác mà có thể khách hàng muốn truy cập trước khi mua hàng, chẳng hạn như:
-
About Us: dành cho những khách hàng muốn tìm hiểu thêm về cửa hàng của bạn hoặc câu chuyện về người sáng lập.
-
Contact Us: khách hàng có thể liên hệ với bạn nếu có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào.
-
FAQ: trả lời một số câu hỏi phổ biến mà khách hàng cần giải đáp về sản phẩm.
-
Vận chuyển: để khách hàng biết họ sẽ phải trả phí vận chuyển như thế nào so với giá mua hàng.
-
Size Guide: giúp người mua hàng tự tin đặt mua đúng kích thước và giảm tỉ lệ trả hàng.
Nguồn: Bombas
Chuyển những trang không liên quan đến menu điều hướng cuối trang
Mặc dù menu này được đặt ở cuối trang web, nhưng khách truy cập vẫn thường tham khảo điều hướng cuối trang để tìm hiểu thêm thông tin về cửa hàng.
Menu điều hướng cuối trang là một cách làm hay cho các cửa hàng trực tuyến. Các liên kết được tìm thấy ở đây sẽ dẫn đến một số thông tin phụ, chẳng hạn như chính sách đổi trả, đánh giá của khách hàng, quyền riêng tư, các điều khoản và điều kiện. Tất cả đều sẽ nằm ở cuối trang web chứ không phải đầu trang.
Nguồn: Madewell
Vì vậy, hãy luôn đảm bảo liên kết ở đầu trang và cuối trang đều hoạt động bình thường. Hãy kiểm tra từng liên kết để đảm bảo tiêu đề khớp với trang mà nó liên kết đến. Một liên kết bị hỏng hoặc không chính xác sẽ có thể ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của bạn.
Trung thực về trang chủ
Trang chủ của cửa hàng giống như cửa sổ hiển thị của một cửa hàng thực tế. Nó cần phản ánh đúng về thương hiệu, đồng thời khuyến khích khách hàng bước vào và bắt đầu mua sắm.
Hình ảnh thương hiệu của bạn có chuyên nghiệp không?
Thương hiệu của bạn sẽ được hiển thị trên trang chủ bán hàng. Thông qua font chữ và bảng màu, mọi người sẽ hiểu rõ bạn là ai và liệu họ có nên trở thành khách hàng trung thành của bạn hay không. Hãy tự hỏi mình:
-
Logo của bạn có chuyên nghiệp không?
-
Bạn có xây dựng cách nhận diện thương hiệu với màu sắc và font chữ nhất quán không?
-
Hình ảnh của bạn có đạt chất lượng và rõ nét không?
-
Nội dụng của bạn có dễ đọc và có scan được không?
>>> Xem thêm các phần mềm thiết kế và kho ảnh miễn phí:
-
Danh sách phần mềm cứu nguy khi bạn không biết dùng Photoshop
-
10 kho ảnh miễn phí phục vụ ngành POD
Trang chủ của bạn có lời kêu gọi hành động hấp dẫn không?
Giống như menu điều hướng, các nút và nội dung kêu gọi hành động hấp dẫn sẽ giúp định hướng khách hàng, bên cạnh đó hướng họ chọn lựa sản phẩm và đến trang thanh toán. Lời kêu gọi hành động là một dòng chữ thuyết phục với sự hỗ trợ của nút CTA có thể nhấp vào. Chúng sẽ giúp thu hút sự chú ý và khuyến khích khách hàng hành động ngay.
Nguồn: Barnes and Noble
Nếu bạn có một thông điệp phụ cần quảng bá, chẳng hạn như giao hàng miễn phí hoặc giảm giá cho một số mặt hàng nhất định, nơi tốt nhất để hiển thị lời kêu gọi hành động sẽ là thanh thông báo. Các thanh thông báo thường hiển thị ở đầu trang web dưới dạng dòng chữ nó để không gây rối với banner.
Nguồn: Kennedy Blue
Nội dung trong trang web có phù hợp với khách hàng mục tiêu không?
Nội dung trên trang web bán hàng của bạn phải thuyết phục và đi vào trọng tâm. Các câu văn dài thênh thang hoặc có nhiều đoạn văn không cần thiết có thể khiến người mua mất hứng thú với những gì bạn đang cố gắng bán. Hầu hết các nhà bán lẻ trực tuyến có xu hướng tiết chế phần nội dung này.
Nguồn: Mejuri
Một trong những sai lầm phổ biến nhất trong copywriting là không có đối tượng cụ thể. Khách hàng mục tiêu cần phải truy cập vào trang chủ của bạn và nói, “Trang web này là dành cho tôi.”
Trang web của bạn trông giống như trên điện thoại không?
Khi thực tế có tới 66% người dùng truy cập trang web bằng di động, thì trang web phải tương thích với các thiết bị di động là điều bắt buộc cần có. Nếu không, chẳng khác nào doanh nghiệp cố tình gây khó khăn, bất tiện cho khách hàng truy cập sẽ bị hạn chế thông tin, từ chối phục vụ một số lượng lớn khách hàng tiềm năng.
Không chỉ khách hàng đánh giá thấp trang web (tức là đánh giá thấp doanh nghiệp), mà Google cũng trừ điểm các trang web không hỗ trợ đa tương thích đối với các lượt tìm kiếm diễn ra trên thiết bị di động. Nói cách khác, thứ hạng lên trang đầu của Google sẽ giảm nếu trang web không tương thích với thiết bị di động.
Nguồn: Slack
Doanh nghiệp của bạn có uy tín không?
Muốn khách hàng tìm đến bạn, trước hết bạn phải làm cho họ tin tưởng bạn. Họ cần có niềm tin rằng thông điệp của bạn luôn chính xác, bạn không phải là kẻ “treo đầu dê, bán thịt chó” và nếu có bất cứ sự cố gì, bạn sẽ hỗ trợ họ hết mình.
Vấn đề ở đây là xây dựng niềm tin không phải là chuyện ngày một ngày hai, hoặc có thể làm được bằng các mánh lới quảng cáo. Các doanh nghiệp đã từng đánh mất lòng tin của người tiêu dùng đều biết rất rõ điều này. Khi những doanh nghiệp này cố gắng sửa chữa hình ảnh của mình, họ nhận ra rằng đổ tiền vào quảng cáo không thể chặn lạ suy nghĩ tiêu cực trong tâm trí của người tiêu dùng. Bạn không thể ép buộc người khác tin tưởng bạn, và bạn cũng không thể dùng mánh khóe để khiến người khác tin tưởng mình.
Cẩm nang xây dựng mối quan hệ với khách hàng hiệu quả sẽ chỉ cho bạn cách duy trì uy tín cho doanh nghiệp, những công cụ để tạo dựng khách hàng thân thiết và cách xây dựng thành công mối quan hệ với khách hàng mới và hiện tại.
Xem dữ liệu để biết bạn đang mất lượng khách hàng ở đâu
Khi bạn đã đảm bảo trang web của mình đã thực hiện đúng quy trình, tiếp theo hãy xem kỹ hơn về khía cạnh dữ liệu trang web của mình trong Shopify dashboard hoặc Google Analytics.
Người mua sắm có thêm sản phẩm vào giỏ hàng không?
Nhìn vào có bao nhiêu khách truy cập trang web đang thêm sản phẩm vào giỏ hàng là một cách hay để đánh giá những thay đổi bạn cần làm cho cửa hàng.
Nếu khách truy cập không thêm sản phẩm vào giỏ hàng, bạn có thể cân nhắc thực hiện những việc sau:
-
Cung cấp thêm nhiều hình ảnh để lướt xem.
-
Tăng kích thước hoặc thay đổi màu sắc của nút Add to Cart.
-
Cần đảm bảo nút Add to Cart dễ tìm thấy trên trang web trên cả phiên bản máy tính và thiết bị di động.
-
Xóa các đoạn giới thiệu sản phẩm dài dòng hoặc không cần thiết làm đẩy nút Add to Cart xuống dưới trang quá xa.
-
Sử dụng dấu đầu dòng, in đậm và các định dạng khác để giúp người mua lướt đọc trang sản phẩm nhanh hơn.
Nguồn: Wristology Watches
Người mua sắm có bỏ quên giỏ hàng không?
Những cách dưới đây có thể giúp bạn khắc phục tình trạng bỏ quên giỏ hàng và dẫn dắt người mua sắm quay lại trang web của bạn để hoàn tất quá trình mua hàng.
-
Tùy chỉnh email bỏ quên giỏ hàng
-
Cân nhắc thêm mã giảm giá vào email bỏ quên giỏ hàng để giúp khôi phục doanh số bị mất và cải thiện tỷ lệ chuyển đổi.
-
Gửi nhiều email bỏ quên giỏ hàng được thiết lập tự động giúp bạn có thêm cơ hội thuyết phục khách hàng hoàn tất quá trình mua hàng.
-
Cân nhắc xóa bỏ trang Review Your Cart và thêm nút CTA đưa khách hàng đến trang thanh toán ngay lập tức sau khi họ thêm sản phẩm vào giỏ hàng.
-
Thêm nút Buy Now vào trang sản phẩm bằng cách sử dụng tính năng thanh toán động, cho phép khách hàng thanh toán ngay nếu họ đã sẵn sàng.
Giá cả hoặc phương thức thanh toán có ngăn cản họ thanh toán không?
Nếu tỷ lệ chuyển đổi của bạn tăng cao từ trang sản phẩm đến thanh toán, nhưng số lượng người hoàn tất quá trình mua hàng lại giảm, bạn cần phải thực hiện các bước sau:
-
Xem xét lại giá cả và chi phí vận chuyển để thu hút người mua sắm hơn.
-
Tạo cột mốc thỏa mãn giao hàng miễn phí để khuyến khích người dùng mua sắm nhiều hơn.
-
Cung cấp nhiều sự lựa chọn về mức phí vận chuyển.
-
Cung cấp nhiều cách thức thanh toán cho khách hàng bằng cách thêm các sự lựa chọn thanh toán di động như PayPal, Apple Pay hoặc Google Pay.
-
Cung cấp mã giảm giá cho khách hàng mới khi mua hàng lần đầu thông qua một popup.
Nguồn: Mykinin.com
Bạn có đang remarketing khách truy cập trang web của mình không?
Tiếp thị lại nhắm mục tiêu đến những khách truy cập trước đó dựa trên những hành động họ đã thực hiện, chẳng hạn như bỏ quên giỏ hàng hoặc lướt qua một trang sản phẩm nhất định. Đó là một chiến lược hiệu quả để giữ cho thương hiệu của bạn luôn được chú ý đối với những khách truy cập chưa sẵn sàng mua hàng.
Tiếp thị lại thường có hình thức tiếp thị qua email (chẳng hạn như gửi mã giảm giá cho những người mua sắm đã bỏ quên giỏ hàng) hoặc bằng quảng cáo trả tiền.
Khách truy cập cuộn trang, nhấp vào và tìm kiếm trang web như thế nào?
Nếu chưa rõ khách hàng đang gặp khó khăn trong việc tìm hiểu thương hiệu hoặc sản phẩm của bạn, hãy thử xem một vài quá trình được ghi lại từ người dùng thực tế. Bạn có thể truy cập hai ứng dụng Hotjar hoặc Lucky Orange để tìm hiểu thêm.
Hotjar cho phép bạn xem lại video ghi lại trải nghiệm người dùng mua sắm trên trang web của bạn.
Kết luận
Traffic website nhiều là một dấu hiệu tích cực cho thấy bạn đang làm tốt công việc thu hút, gây sự chú ý đến nhiều người. Tuy nhiên, không bán được hàng lại là vấn đề đáng báo động trong sự thuyết phục mua. Hãy luôn kiểm tra xem có “lỗ hổng” nào đang khiến khách hàng của bạn đột ngột thoát khỏi trang web khi chưa thực hiện thanh toán nhé.