Là một lãnh đạo xuất sắc, bạn phải là người có khả năng hòa hợp những tính cách khác nhau nhằm khai thác được năng lực tốt nhất từ các thành viên trong nhóm mình.
Sự thấu hiểu, phối hợp ăn ý giữa các thành viên trong nhóm sẽ giúp thúc đẩy hiệu suất và chất lượng công việc. Chính vì thế, các nhà quản lý cần chủ động xây dựng, bồi dưỡng nhóm làm việc của mình để ngày càng làm việc tốt hơn.
Để xây dựng nên một nhóm làm việc hiệu quả, bạn cần là người tiên phong trong việc hoạch định các mục tiêu, phương hướng và linh hoạt trong công tác quản lý với các bí quyết chia sẻ dưới đây.
#1 Xây dựng mục tiêu chung
Thật nực cười khi cứ mơ ước có một đội nhóm hoàn hảo trong khi bạn chẳng biết mình và đồng đội sẽ đi đâu. Vì vậy, bạn cần phải trả lời câu hỏi “Chúng ta đang đi tới đâu?” cho nhóm của bạn. Một đội nhóm thành công phải có một mục tiêu rõ ràng và một kế hoạch hành động hợp lý. Mục tiêu tuyệt vời nhất là theo công thức SMART:
-
Specific: Cụ thể
-
Measurable: Đo lường được
-
Achievable: Có thể đạt được
-
Realistics: Thực tế
-
Timebound: Có thời hạn
Từng thành viên trong nhóm cần phải biết vai trò của họ là gì – đóng góp của họ – trong việc đạt được các mục tiêu như thế nào. Bởi chỉ khi xác định được mục tiêu, các thành viên trong nhóm mới có cơ sở gắn kết và đảm bảo đi đúng hướng theo kế hoạch.
#2 Giải thích rõ luật chơi
Liệu bạn đã bao giờ cho nhân viên của bạn biết rõ tầm nhìn của doanh nghiệp bạn là gì chưa? Bạn không thể bắn một mũi tên thẳng đến mục tiêu nếu chưa xác định rõ sân chơi của bạn là gì.
Tất nhiên không ai thích luật lệ cả, nhưng nếu bạn đặt chúng vào một tình huống thực tế, những quy tắc này luôn có ý nghĩa. Bạn cần phải giải thích chức năng của các quy tắc. Các quy tắc không phải sinh ra để kiểm soát và áp đặt, mà nó sinh ra là để nêu rõ cơ cấu và mục đích đi tới chiến thắng.
#3 Hiểu đồng đội
Đối với đối thủ, bạn cần biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Đối với đồng đội, bạn lại càng phải hiểu họ thích gì, tính cách, điểm mạnh và điểm yếu của từng người và giúp họ phát triển nó.
-
Thành viên mới vào nghề, vẫn còn tràn đầy nhiệt huyết: họ cần sự định hướng và chỉ dẫn.
-
Thành viên đang học hỏi nhưng thiếu sự tập trung và ý chí: họ cần sự huấn luyện.
-
Thành viên đã được rèn luyện nhưng vẫn còn dè dặt: họ cần sự hỗ trợ.
-
Thành viên đã đạt được nhiều thành tích và có tính độc lập: họ quan tâm đến trách nhiệm.
Khi đã xác định được khả năng của từng thành viên, nhiệm vụ tiếp theo bạn cần làm là dựa trên năng lực, thế mạnh của họ để có chiến lược giao việc phù hợp, đảm bảo “đúng người đúng việc” nhằm đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả công việc chung cũng như tạo thêm nguồn cảm hứng, động lực phấn đấu nhiều hơn cho các thành viên.
#4 Tin tưởng và khuyến khích
Nếu bạn nhận thấy nhân viên của bạn đã đủ khả năng xử lý công việc hàng ngày trong doanh nghiệp/ cửa hàng, hãy đứng sang một bên và trao quyền lại cho họ, đừng chỉ biết chăm băm theo dõi, bắt lỗi họ.
Trên thực tế, khi bạn trao quyền cho nhân viên, họ sẽ cảm thấy rằng bản thân họ đang được “sếp” tin tưởng, họ đang có quyền “tự trị” và chính những điều đó sẽ khuyến khích họ làm việc hiệu quả hơn, có trách nhiệm hơn.
#5 Công bằng trong cách đánh giá
Để nâng cao hiệu quả làm việc nhóm, bạn cũng cần đảm bảo sự công bằng trong cách đánh giá năng lực cho từng thành viên. Trong công việc, trước khi đưa ra các quyết định, bạn nên đưa ra những lời giải thích rõ ràng, khéo léo để tạo sự đồng thuận, tránh những mâu thuẫn bất đồng nhóm do chọn phương án của người này mà không chọn của người kia.
Tương tự, việc thưởng phạt cho các thành viên cũng cần đảm bảo tính khách quan, công bằng, tuân thủ đúng quy định của nhóm, phòng ban hoặc công ty trước đó để đảm bảo có được sự đồng thuận của mọi người.
#6 Đưa mọi người đến gần nhau hơn
Một trong những điều quan trọng nhất bạn cần làm để xây dựng một tổ chức hiệu suất cao là tổ chức cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa mọi người. Mọi người cùng ngồi với nhau, tại một thời điểm cố định, để nói chuyện, thảo luận, bắt kịp tiến độ công việc, cùng tìm hiểu và nhìn nhận những gì công ty đang làm cũng như chia sẻ những ý tưởng, ý kiến và những hiểu biết cho nhau.
Hy vọng bạn sẽ áp dụng được những kiến thức này để xây dựng đội ngũ nhân viên thực sự hiệu quả để đưa doanh nghiệp của bạn đi tới thành công.